Sinh mổ, sữa không về ngay
Khi sinh mổ, nhiều người lo lắng rằng do tác dụng của thuốc kháng sinh hay thuốc gây tê mà sữa mẹ sẽ không kịp về để cho con bú. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không chính xác. Thực tế, trong 3 tháng cuối thai kỳ, sữa mẹ đã hình thành và tích trữ dần trong bầu ngực. Đó là lý do nhiều người thấy đầu ti có hiện tượng rỉ sữa trong giai đoạn này. Hơn nữa, mỗi cữ bú của bé trong 24 giờ đầu sau sinh rất ít, chỉ từ 5-7ml nên mẹ không cần phải quá lo lắng về việc không đủ sữa cho con.
Ngay sau khi sinh mổ, mẹ có thể cho con bú. |
Ngoài ra, bạn cũng không sợ thuốc gây tê với thuốc kháng sinh sử dụng trong quá trình mổ sẽ truyền qua sữa, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bé. Thực chất, các thuốc này vô hại với trẻ. Chỉ trong trường hợp mẹ phải tiêm hoặc uống thêm các loại thuốc trị bệnh khác thì mới không nên cho con bú. Và trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cảnh báo cho bạn biết.
Trước kia, sau khi mổ, mẹ sẽ được nằm ở phòng cách ly mà không được gặp con luôn nên việc cho bé ti gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, giờ đây, việc chăm sóc sau sinh sẽ giúp mẹ và bé sẽ được thực hiện da tiếp da nên bạn hoàn toàn có thể cho con bú vào lúc này.
Sữa non của bò và sữa non của mẹ giống nhau
Bước sang quí thứ 3 của thai kỳ, sữa non đã xuất hiện và nó tiếp tục được sản xuất trong khoảng 72 giờ sau sinh. Khác với sữa già, sữa non đậm đặc các yếu tố miễn dịch và tăng trưởng, là nguồn dinh dưỡng vô cùng quí giá cho trẻ sơ sinh.
Mặc dù sữa non của bò cũng chứa nhiều kháng thể, giúp bê con phát triển khỏe mạnh, thế nhưng, tỷ lệ kháng thể trong sữa ở các loài khác nhau là khác nhau. Nhiều loại kháng thể mà trẻ sơ sinh cần nhiều thì trong sữa bò lại không có và ngược lại. Thêm vào đó, do quá trình sản xuất, đóng hộp, vận chuyển, thậm chí là pha chế nên phần kháng thể thực sự hữu ích cho người trong sữa non của bò chỉ còn lại rất ít.
Bạn cũng nên nhớ rằng, tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo: "Ngoài sữa mẹ, trẻ dưới 6 tháng không nên dùng bất cứ loại sữa nào khác và nó bao gồm cả sữa non của bò hay dê".
Càng về sau sữa mẹ càng mất chất là một trong những ngộ nhận sai lầm về sữa mẹ. |
Càng về sau sữa mẹ càng mất chất
Theo thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng - Chuyên gia Tư vấn Nuôi Con Sữa mẹ của Viện Sữa Mẹ Quốc tế, sữa mẹ được tạo ra theo một công thức định sẵn. Trung bình, 1 lít sữa có khoảng 74g bột đường, 42g chất béo và 13g chất đạm và 700ml nước. Tuy nhiên, các thành phần này có thể thay đổi tùy vào nhu cầu thực sự của bé. Chẳng hạn, nếu bé ốm, sữa mẹ sẽ tự tạo ra các chất phù hợp để con mau khỏi bệnh. Vào mùa hè, lượng nước trong sữa sẽ được điều chỉnh tăng để con có thể giải khát.
Một khi sữa đã được sản xuất ra thì cho dù chế độ ăn uống của mẹ không hoàn hảo, nó vẫn đảm bảo một hàm lượng dinh dưỡng nhất định. Chỉ có điều, khi trẻ lớn hơn, nhu cầu năng lượng nhiều hơn thì trẻ sẽ cần nguồn dinh dưỡng dồi dào hơn. Và lúc đó, dinh dưỡng trong sữa mẹ không đủ đáp ứng cho trẻ, chứ không phải là nó đã bị mất chất. Do đó, theo bà Hồng, nếu muốn, mẹ vẫn có thể cho con ti đến 5 tuổi như một nguồn dinh dưỡng bổ sung.
Mẹ cần uống sữa thì mới có sữa cho con
Bạn vẫn thấy mọi người truyền tai nhau là muốn nhiều sữa thì mẹ phải tăng cường uống sữa? Thực chất là không phải vậy. Bởi vì, khi sữa được đưa vào cơ thể, nó sẽ được tiêu hóa và trở thành các dưỡng chất như nhiều loại thức ăn khác. Hơn nữa, nếu chỉ chăm chăm uống sữa thì nguồn dinh dưỡng mà bạn nhận được sẽ không đủ phong phú. Thế nên, cách tốt nhất trong giai đoạn này là thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng thực phẩm và chỉ nên coi sữa là nguồn bổ sung thôi.
Nhiều mẹ vẫn có thói quen cho con uống thêm sữa ngoài, vì nghĩ như thế mới đủ chất cho con. |
Nếu con háu ăn, phải cho trẻ uống thêm sữa ngoài
Khi lớn hơn, trẻ sẽ tiêu thụ một lượng sữa nhiều hơn. Đó chính là lý do mà nhiều mẹ luôn lo lắng về việc mình không đủ sữa cho con ti. Thế nhưng, sự thực thì, như bà Hồng đã khẳng định, sữa mẹ được tiết ra theo một cơ chế vô cùng thông minh và phù hợp với nhu cầu của trẻ. Điều đó có nghĩa là nếu trẻ ti càng nhiều thì lượng sữa tiết ra càng lớn và ngược lại.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ có 2-3% các bà mẹ thực sự không có đủ sữa cho con. Những trường hợp này đa phần đều liên quan đến bệnh lý. Tuy nhiên, tại sao vẫn có những người cảm thấy mình ít sữa hơn hẳn và cụ thể là không thể đáp ứng được nhu cầu "ẩm thực" của con?
Sự thật là, ban đầu, vì thấy bé ti nhiều hơn, vì sợ rằng mình không đủ sữa cho con nên nhiều mẹ đã pha thêm sữa ngoài cho bé bú. Bởi vì đã được bú ngoài một lượng kha khá nên bé sẽ ít ti mẹ hơn. Khi bé ít ti mẹ thì sẽ dẫn đến một hệ quả là sữa mẹ tự động "cắt giảm sản lượng" cho phù hợp với tình hình thực tế.
Chính vì thế, để hiện tượng ít sữa, thậm chí là mất sữa không xảy ra, đừng vội vàng nghĩ rằng mình không đủ sữa cho con bú mà hãy tin rằng trong 6 tháng đầu, bạn hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của bé.
Xem thêm: Ngộ nhận về sữa mẹ khiến mẹ ít sữa sau sinh
Mai Hòa
Theo VNM - PL.XH