Theo Cáo trạng số 03/CTr –VKSTC – V3 của ngày 15/12/2017 của Viện KSND Tối cao, dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư theo hình thức BOO, được xây dựng từ năm 2004 đến tháng 4/2009.
Tuy nhiên, từ ngày 4/2/2012 đến ngày 2/10/2016 tuyến đường ống đã 18 lần bị vỡ với số lượng 23 cây ống opposite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, doanh nghiệp khai thác đã phải chi 16,6 tỷ đồng để khắc phục. Việc liên tục vỡ đường ống đã gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nguyên nhân gây ra hậu quả như trên đã được kết luận tại Kết luận giám định tư pháp ngày 15/4/2015 là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống. Trong đó quá trình sản xuất ống chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu, ngoài ra không thực hiện thử nghiệm độ bền thủy tĩnh dài hạn để làm cơ sở cho việc kiểm tra độ bền dài hạn của tuyến ống sau này.
Trong quá trình thi công xây dựng, khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng, BQL dự án đã không thực hiện kiểm tra lại chất lượng của lô ống tương ứng. Đây là trách nhiệm của những cá nhân trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý giám sát thi công xây dựng tuyến ống của dự án.
Được biết, ban đầu Vinaconex lựa chọn dùng ống gang dẻo, nhưng sau đó HĐQT Vinaconex do ông Phí Thái Bình làm Chủ tịch HĐQT (sau này ông Bình làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) đã quyết định thay đổi bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh cho dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã trưng cầu giám định của Bộ Xây dựng và có kết luận nguyên nhân tuyến ống bị vỡ “là do sự bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống. Trong đó nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa), các mẫu ống được thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những xung yếu. Nếu ống sản xuất có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật , thiết kế bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, thí nghiệm, kiểm tra, vận chuyển, thi công lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế và các quy định có liên quan thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống”.
Để có ống composite cốt sợi thủy tinh cho dự án, Vinaconex đã góp vốn thành lập CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico). Ngày 16/9/2004, Chủ tịch HĐQT Vinaconex Phí Thái Bình có văn bản số 3377A CV/VC-ĐT đồng ý cho Viglafico đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ống sợi thủy tinh. Quá trình thực hiện dự án, Viglafico đã lựa chọn nhà cung cấp dây chuyền thiết bị là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Dụ Hòa (Trung Quốc) theo quyết định phê duyệt chỉ định nhà thầu của HĐQT Vinaconex.
Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Phí Thái Bình.
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các thành viên HĐQT Vinaconex giai đoạn 2003-2004 gồm các ông: Phí Thái Bình, Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Văn Tuân, Ủy viên HĐQT- TGĐ; các Ủy viên HĐQT là Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành, và 02 người có trách nhiệm tham mưu, đề xuất là Lại Văn Bách, Giám đốc BQL Dự án; Nguyễn Đức Lưu, Trưởng Phòng Đầu tư Vinaconex, về hành vi đề xuất cho thay đổi vật liệu ống từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh khi chưa lập, thẩm định hiệu quả.