Lợn hơi miền Bắc giảm 3.000 đồng/kg
Ông Nguyễn Kim Đức, một trong những trang trại nuôi lợn quy mô khá lớn ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cho biết, hiện giá lợn hơi tại địa phương của ông đang giảm từng ngày, giá lợn hôm nay chỉ còn khoảng 33.000 đồng đến 34.000 đồng/kg, tùy loại.
Ông Đức cho biết thêm, phần lớn các lợn trong dân hiện tại được các lái buôn nhỏ ở trong và ngoài huyện thu mua về để giết mổ bán tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn tỉnh.
Khảo sát về giá lợn hôm nay 27.7 của phóng viên cho thấy, tại nhiều vùng chăn nuôi của miền Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa... đã giảm khoảng 3.000 đồng/kg hơi (khoảng giá 33.000 đồng đến 34.000 đồng/kg).
Tính đến thời điểm này, gia đình ông Phạm Mạnh Hùng ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) vẫn đang duy trì đàn lợn thịt khoảng trên 100 con, trong đó có trên 40 con đã đến tuổi xuất chuồng, song do lái buôn gọi điện trả giá rẻ nên ông Hùng chưa muốn bán mà muốn "găm hàng" chờ giá nhích lên mới xuất chuồng.
"Được mấy hôm giá lợn nhích lên gia đình tôi đang mừng thì đến hôm nay lái buôn gọi bảo lợn đang giảm giá và trả giá đàn lợn của gia đình tôi 33 (tức 33.000 đồng/kg), tính ra mỗi kg lợn hơi tôi chịu lỗ khoảng 2.000 đồng đến 3.000 đồng" - ông Hùng chia sẻ.
Tại tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định... giá lợm hôm nay cũng đã giảm trên dưới 3.000 đồng/kg so với ngày 24 và 25.7. Bà Trần Thị Hiền, chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở huyện Bình Lục (Hà Nam) cho hay: "Đến hôm nay giá lợn lại giảm sâu cứ đà này bà con chúng tôi đang lo ngại giá lợn hơi sẽ còn tiếp tục giảm nữa thì công việc chăn nuôi lại gặp rất nhiều khó khăn".
Đàn lợn thịt của gia đình ông Bùi Khắc Thọ ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã đến tuổi xuất chuồng, song do lái buôn trả giá quá rẻ (khoảng 30.000 đồng/kg) nên ông chưa muốn bán.
Trái ngược với tâm lý trông chờ việc thu mua của lái buôn của nhiều hộ chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh, một số hộ ở một số huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã chủ động mổ lợn để bán thịt vớt vát lại chút tiền lãi cuối cùng. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Cường ở xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, trung bình mỗi ngày hai vợ chồng ông Cường mổ bán 1 đầu lợn đem ra đầu xóm bán thịt.
Theo tính toán của ông Cường, mỗi một đầu lợn mổ bán thịt với giá trung bình khoảng từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, so với giá lợn hơi hiện tại được lái buôn thu mua tại chuồng khoảng 33.000 đồng đến 34.000 đồng/kg, gia đình ông được lãi khoảng 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg lợn hơi."Sau nhiều ngày bị lái buôn ép giá, gia đình tôi quyết định mổ bán thịt, dù công việc hơi vất vả nhưng đổi lại mình vẫn có lời nhiều so với bán lợn hơi" - ông Cường nói.
Công nhân chăm sóc đàn lợn tại một HTX chăn nuôi ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội).
Đồng Nai vẫn ở ngưỡng từ 35.000 đồng đến 37.000 đồng/kg
Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Văn Tuynh, chủ trang trại nuôi lợn ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết, so với ngày 23 và 24.7, giá lợn hôm nay vẫn giữ ở mức khoảng 35.000 đồng đến 37.000 đồng/kg, tùy loại, kích cỡ lợn.
"Hiện tại lái buôn không còn thu mua loại lợn hơi ngoại cỡ trên 100kg như trước mà chủ yếu họ thu mua lợn đạt trọng lượng khoảng từ 90 đến 100kg với giá 36.000 đồng đến 37.000 đồng/kg" - anh Tuynh chia sẻ.
Lý giải về hiện tượng giá lợn tăng/giảm thất thường giữa miền Bắc và miền Nam, anh Tuynh cho rằng: "Nguyên nhân có thể do Trung Quốc đã đóng biên, việc tiêu thụ lợn hiện giờ chủ yếu phụ thuộc vào thị trường trong nước nên lượng tiêu thụ lợn hơi không được nhiều. Ngoài ra, hiện phần lớn lái buôn thu mua lợn lớn đều thông qua đội ngũ cò mồi (người chỉ điểm, môi giới lợn), đội ngũ này mỗi lần chỉ điểm họ ăn khá dày khoảng 20.000 đồng đến trên 30.000 đồng/đầu lợn nên khi đến trang trại thu mua các lái buôn móc nối với nhau đánh tụt giá lợn xuống để gỡ lại khiến người chăn nuôi bị thiệt thòi rất nhiều".
Cùng quan điểm với anh Tuynh, ông Nguyễn Văn Sống, chủ trang trại lợn quy mô lớn trên 2.000 con ở xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc cho biết, gia đình ông vừa mới xuất đàn lợn siêu hàng trăm con cho lái buôn với giá 35.000 đồng/kg, đàn lợn thịt còn lại khoảng gần 2.000 con chưa đến tuổi xuất chuồng nên ông Sống quyết định giữ lại vỗ béo khoảng 1 tháng nữa mới bán.
"Hiện tại, với giá lợn hơi mà bà con bán cho lái buôn xuất đi Trung Quốc khoảng 37.000 đồng đến 38.000 đồng/kg hơi, họ thấy không có lãi, bởi công cước, chi phí, hao hụt nhiều trên quãng đường vận chuyển đến và qua biên nên họ đã dừng thu mua khiến các trang trại chăn nuôi lớn như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì phải tiêu thụ nhỏ lẻ trong nước" - ông Sống nói.
Giá lợn tăng là do Trung Quốc nhập hàng trở lại Chiều nay 26.7, Bộ NNPTNT đã phát hành báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 7, trong đó cho biết giá lợn tăng trong thời gian qua là do tác động từ yếu tố Trung Quốc nhập hàng trở lại, nên giá lợn hơi thời gian qua đã tăng. Theo Bộ NNPTNT: Giá lợn tăng mạnh ngoài yếu tố Trung Quốc nhập hàng trở lại, còn là do trong giai đoạn vừa qua, số lợn đến kỳ xuất chuồng được bán đồng loạt một lúc nên lứa lợn kế tiếp chưa kịp lớn. Tại Đồng Nai, trong tháng giá lợn hơi tăng từ 22.000 đ/kg lên 42.000 đ/kg vào. Tại Vĩnh Long, Bạc Liêu, giá lợn hơi đã tăng 16.000 – 18.000 đ/kg so với hồi đầu tháng, với mức giá hiện tại là 38.000 – 41.000 đ/kg. Tại các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, giá lợn hơi sau khi tăng khoảng 18.000 đ/kg, đã có lúc tăng lên mức hơn 40.000 đ/kg, mặc dù cũng có thời điểm giảm xuống mức 30.000-35.000 đ/kg. Đồng thời, giá lợn hậu bị và lợn con giống tăng cao. Tại Đồng Nai, lợn hậu bị do công ty cung cấp cũng đã tăng từ 5,5 triệu đ/con, lên hơn 7 triệu đ/con. Tại Bến Tre, lợn con (trọng lượng 15-20kg), hiện đang có mức giá là 1 - 1,2 triệu đ/con. Giá lợn tăng cũng đã đẩy giá thu mua gia cầm tại một số tỉnh phía Nam cũng đã nhích 2.000 – 4.000 đ/kg so với đầu tháng và hiện ở mức giá là 23.000 – 25.000 đ/kg; gà lông màu là 24.000 – 26.500 đ/kg. Mặc dù vậy, theo Bộ NNPTNT, những ngày gần đây, mặc dù giá thịt lợn có dấu hiệu tăng trở lại tuy nhiên người chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn, hiện tại hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn còn tái đàn tuy nhiên số lượng rất hạn chế, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không tái đàn hoặc nếu có thì số lượng rất ít. Cũng theo số liệu của Bộ NNPTNT, ước tính tổng số lợn cả nước tháng 7 đã giảm 3,3% so với cùng kỳ 2016. |